Ngành du lịch nói chung và kinh doanh mảng dịch vụ lưu trú, khách sạn nói riêng đã nhận được sự quan tâm của cá nhân và tổ chức. Những hình thức tổ chức kinh doanh nào được Nhà nước cấp phép hoạt động? Chi tiết về lĩnh vực hộ kinh doanh có được kinh doanh khách sạn không sẽ được thông báo chi tiết ở dưới đây.
I. Kinh doanh khách sạn là gì?
Kinh doanh khách sạn là hoạt động dịch giúp cho chủ sở hữu khai thác để đạt được lợi nhuận. Vậy chúng ta cần hiểu khách sạn là gì?
Theo Luật du lịch 2017 quy định, “Khách sạn là cơ sở lưu trú du lịch bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch; bao gồm: Khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn bên đường, khách sạn nổi và khách sạn thành phố.”
II. Hộ kinh doanh có được kinh doanh khách sạn không?
1. Điều kiện kinh doanh khách sạn
Dựa trên Luật du lịch 2017, Nghị định 168/2017/NĐ-CP và Nghị định 142/2018/NĐ-CP, các cá nhân tổ chức muốn tham gia kinh doanh khách sạn cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp
– Đáp ứng các điều kiện và đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở lưu trú dịch vụ.
– Đáp ứng các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, dịch vụ đối với khách sạn:
- Hệ thống điện, hệ thống cung cấp nước, thoát nước.
- Tối thiểu 10 phòng ngủ, có nhà tắm, nhà vệ sinh chung hoặc riêng
- Chỗ để xe, giữ xe trong ngày và qua đêm
- Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.
- Người quản lý có kiến thức, nghiệp vụ khách sạn, có nhân viên trực hàng ngày.
2. Quy định pháp luật về hộ kinh doanh khách sạn
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm hoạt động kinh doanh bằng toàn bộ tài sản của mình. Theo quy định pháp luật, những đối tượng phù hợp các đặc điểm trên có quyền thành lập hộ kinh doanh và có nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh.
Như vậy, ta có thể khẳng định, các hộ kinh doanh có đặc điểm phù hợp với các điều kiện theo quy định của pháp luật đều được tham gia kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn.
III. Đăng ký hộ kinh doanh khách sạn như thế nào?
Hộ kinh doanh nộp một bộ hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt cơ sở khách sạn khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh hoặc thay đổi nội dung đã đăng ký.
Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:
- Tên hộ kinh doanh, địa điểm, địa chỉ kinh doanh, số điện thoại, gmail,..
- Ngành nghề kinh doanh
- Vốn kinh doanh
- Số lao động
- Họ tên, chữ ký, địa điểm cư trú, ngày cấp thẻ CCCD/ CMND/ Hộ chiếu còn hiệu lực của cá nhân sở hữu khách sạn hoặc đại diện gia đình.
Sau khi tiến hành đăng ký và xin cấp giấy phép kinh doanh, hộ kinh doanh khách sạn cần hoàn thiện các hồ sơ sau:
- Xin giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự
- Xin giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy
- Trong thời gian 03 tháng kể từ ngày hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh khách sạn cần làm thủ tục xếp hạng sao theo quy định hiện hành.
Bài viết này đã giúp các bạn trả lời câu hỏi: “Hộ kinh doanh có được kinh doanh khách sạn không?”. Rất mong bài viết sẽ hữu ích với các bạn. Chúc các bạn kinh doanh thành công!